LỜI TRI ÂN CỦA NHÀ TRƯỜNG SAU MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG

Trong không khí những ngày cuối năm 2014, đặc biệt nhìn lại 5 năm ngày nhà trường chính thức lên bậc Đại học (2009 – 2014) PGS – TS.NGƯT. Phan Thị Bích Hà – hiệu trưởng nhà trường  thay mặt Ban Giám Hiệu gửi lời tri ân đến các đồng chí lãnh đạo và đặc biệt là các nhà giáo, các nghệ sĩ, các cán bộ công nhân viên chức qua các thời kì, đã và đang đồng hành cùng nhà trường trong sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho nước nhà. Bên cạnh đó còn là lời động viên ân cần đến các sinh viên, học sinh đang và đã gắn bó với mái trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh. Sau đây xin trích nguyên văn lời tri ân này.

Cô Hà

PGS – TS.NGƯT. Phan Thị Bích Hà – hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM.

Kính thưa quý vị, nền nghệ thuật nước nhà nói chung và lĩnh vực Sân khấu Điện ảnh nói riêng luôn mong chờ sự xuất hiện của những nhân tố tài năng mới. Trong một chừng mực nào đó, tài năng phải được tìm kiếm không ngừng và được “đánh thức” một cách hiệu quả. Khả năng “đánh thức” tâm hồn, sự cảm thụ và sáng tạo của một ai đó là không hề đơn giản. Vì “tâm hồn” là khái niệm rất gần, mà cũng rất xa, có lúc mỏng manh nhưng đôi khi là thành trì vững chắc. Đó chính là sứ mệnh cao cả của những người thầy cô giáo nghệ thuật, ngoài kiến thức chuyên môn sâu rộng, còn là tấm gương đạo đức và nghề nghiệp, là ánh đèn chiếu sáng cho những nghệ sĩ trẻ bước vào hành trình nghệ thuật lâu dài, thường không có điểm kết, có vinh quang có gian khổ, có thành công và cũng có thể thất bại. Dù thế nào thì các em hãy luôn nhớ rằng: “Trên đại dương, ta không thể điều khiển được bão tố, nhưng có thể điều chỉnh được cánh buồm”. Kỹ năng điều chỉnh cánh buồm – vốn được truyền dạy từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường từ sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm sẽ là hành trang quý giá mà các em hãy luôn trân trọng và mang theo bên mình.

Công việc của một thầy giáo nghệ thuật luôn khởi động sớm hơn rất nhiều so với các thầy giáo chuyên ngành khác, khi ngay từ những kì tuyển sinh, các thầy giáo nghệ thuật đã phải làm việc rất vất vả và kỹ lưỡng để tuyển sinh được những nhân tố có tiềm năng hứa hẹn nhất. Nhìn ra được những tiềm năng đó là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển về sau. Như Aristophanes (nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại) đã ví von khá hóm hỉnh như sau: “Bạn không thể dạy một con cua biết cách đi thẳng”. Nhưng một khi nhìn thấy bóng dáng tiềm năng rồi thì cũng chỉ mới bắt đầu hành trình đào tạo lâu dài tiếp theo mà thôi. Quan trọng nhất với việc giảng dạy nghệ thuật là không chỉ dừng ở việc miêu tả, giải thích, chứng minh, mà là “truyền cảm hứng”. Công việc truyền cảm hứng là cả một nghệ thuật lớn khi người thầy không chỉ dạy từ sách vở mà còn dạy từ con tim và cảm xúc của mình. Vì vậy, tính nghệ sĩ của một thầy giáo nghệ thuật lại được nhân lên gấp đôi, đặc biệt đối với các thầy giáo ở lĩnh vực sân khấu điện ảnh, vốn là hai loại hình nghệ thuật có sức hấp dẫn mạnh mẽ và nổi bật nhất trên thế giới.  

Với những nhà giáo giảng dạy tại các trường văn hóa nghệ thuật thì giáo án không chỉ dừng lại ở những tài liệu kiến thức chuyên môn được biên soạn theo tính chất mô phạm, mà vô giá hơn chính là cả cuộc đời làm nghệ thuật, những kinh nghiệm thực tế được chắt lọc từ bề dày hoạt động mà các nghệ sĩ, các nhà giáo luôn sẵn sàng trao tặng đến từng em sinh viên của mình. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp rất quan trọng của các thầy cô giáo ở các bộ môn kiến thức cơ bản, cung cấp nền tảng và điểm tựa vững chắc, góp phần giúp đỡ các em sinh viên trong việc quan sát cuộc sống, tìm kiếm chất liệu sáng tác. Sức mạnh tổng hợp của trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM cũng không thể thiếu được sự tham gia đầy nhiệt huyết và có trách nhiệm của các cán bộ công nhân viên nhà trường ở các phòng ban khác nhau, tuy không trực tiếp giảng dạy nhưng đã nỗ lực hết mình xây dựng một môi trường học tập thuận lợi cho các em sinh viên.   

Thưa thầy cô và các em sinh viên thân mến, ở mỗi trường đại học thường có một phòng truyền thống với quy mô lớn nhỏ khác nhau, là nơi lưu giữ, trưng bày và ghi danh những bằng khen, những thành quả hay mốc son mà các thế hệ sinh viên tiếp nối đã đạt được, mang lại vinh dự to lớn cho nhà trường. Nhưng riêng ở trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh, tôi nghĩ rằng những thành tựu xuất sắc của các lớp nghệ sĩ trẻ từng được đào tạo từ mái trường này không nhất thiết chỉ được trưng bày trong một không gian cố định nào đó, mà ý nghĩa hơn sẽ là trong lòng công chúng khán giả yêu nghệ thuật. Những tác phẩm của các em vẫn đang được tỏa sáng đều đặn trong các nhà hát, rạp chiếu bóng hay trên màn hình vô tuyến… Và chính những thành công của các em sẽ là động lực mạnh mẽ nhất để các nghệ sĩ, các nhà giáo không quản sức lực và tâm huyết của mình để tiếp tục cống hiến cho công tác giảng dạy, để mỗi khi nhìn thấy tên của một em sinh viên nào đó do mình đào tạo ra được xướng lên trong một giải thưởng có tầm vóc, hay đơn giản hơn là xuất hiện đàng hoàng và đẹp đẽ trên một tấm pano hay generique cuối phim cũng đủ làm cho các nghệ sĩ, các thầy cô giáo thấy hạnh phúc và có ý nghĩa với công tác giảng dạy của mình. Tôi lại xin mạn phép được nhắc đến một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Paustovsky – truyện ngắn “Bụi Quý” trong tập truyện Bông Hồng Vàng. Nhân vật nam chính trong truyện ngắn này dành hết sức lực của mình để tìm kiếm – sàng lọc – kết tinh những hạt bụi vàng để đúc thành một bông hồng vàng, nhằm đem lại hạnh phúc cho một cô gái, nhưng như người mẹ của nhân vật nam chính đã nói, nó còn mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác nữa – một vẻ đẹp diệu kì mang tên cuộc sống được phản chiếu qua một tác phẩm nghệ thuật, xứng đáng được đón nhận và chiêm ngưỡng. Tôi bỗng nghĩ đến sự cống hiến của các nghệ sĩ, các nhà giáo cũng đang tìm kiếm những hạt vàng thực sự trong mỗi em sinh viên, để các em nhận thấy và tích góp lại, rồi xây đắp thành những tác phẩm có giá trị, mang dấu ấn riêng mình.

Nhân dịp này, tôi cũng xin được thay mặt Ban giám hiệu nhà trường, gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các lãnh đạo Bộ, lãnh đạo cục công tác phía Nam, các Đảng ủy khối cơ sở và đoàn thể luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng chúng tôi, hỗ trợ hết mình và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác giảng dạy của các nhà giáo đạt được những thành công đáng mong đợi.

Nhân dịp đón xuân mới 2015 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền, chúng tôi xin được gửi lời chúc sức khỏe và thành công đến tất cả những Nghệ sĩ, Nhà giáo đã và đang đồng hành cùng trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh TP. HCM trong suốt thời gian qua! Chúc các thầy, Cô luôn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết trong công tác giảng dạy Văn hóa Nghệ thuật, để đào tạo ra nhiều lớp sinh viên ưu tú, những nghệ sĩ trẻ và tài năng cho đất nước!

Trân trọng cảm ơn!

Ban biên tập

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *