Tìm hiểu đôi nét về nhạc dân tộc

Người viết : Thầy Huỳnh Quang Nhật

hqn1

Chúng ta được kế thừa một hệ thống lý luận về âm nhạc dân tộc vô cùng đặc sắc của các nhà nghiên cứu tiền bối. Trong cuốn “ Âm nhạc các dân tộc thiểu số Việt Nam, GS, Tô Ngọc Thanh viết :

“Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, có 54 nền văn hoá dân tộc, cũng tức là có 54 nền âm nhạc dân tộc khác nhau. Nhiều dân tộc lại có các nhóm địa phương mang sắc thái văn hoá khác nhau. Ví dụ như dân tộc Bahnar có các nhóm Bahnar TơLô, Bahnar Kon KơDeh, Bahnar Bơ nâm. Như vậy sắc thái âm nhạc dân tộc có thể lên đến hàng trăm. Tuy nhiên, trong sự phong phú và đa dạng ấy, chúng ta có thể tìm thấy những nét chung về văn hoá và về âm nhạc của các dân tộc Việt nam. Những nét chung ấy bắt nguồn từ chỗ các dân tộc Việt nam đều là con cháu của chủ nhân một nền văn hoá cơ tầng ( culture substratum ) thời cổ đại ở Đông Nam Á với sự tiếp nối của các giai đoạn Hoà Bình, Bắc Sơn và Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo. Những nét chung ấy còn là kết quả của một quá trình lịch sử mà trong đó, các dân tộc Việt Nam đã đoàn kết trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước, dẫn đến một quá trình tiếp xúc và tiếp biến văn hoá ( Acculturation ) giữa các dân tộc. Vì vậy, có thể nói đến văn hoá đa dân tộc Việt Nam có tính thống nhất cao, nhưng lại giàu sắc thái và đa dạng về tính địa phương và tính tộc người.”

Như chúng ta đã biết, tuy mỗi địa phương, mỗi vùng, miền đều có tín ngưỡng, phong tục, tập quán mang các sắc thái khác nhau và có sự giao tiếp biến đổi qua từng thời kỳ, nhưng cái dấu ấn để tạo nên bản sắc văn hoá từ diễn xướng dân gian đến sự định hình một loại hình, loại thể văn hoá nghệ thuật phải bắt nguồn từ một cơ sở triết học, mỹ học của chính dân tộc đó. Ở Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, có hệ thống vũ trụ luận, thế giới quan, nhân sinh quan khác biệt với phương Tây, vì vậy sáng tạo nên sự độc đáo trong các loại hình nghệ thuật theo quan niệm thẩm mỹ của mình, mà âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc đậm đà bản sắc dân tộc.

Trên cơ sở các nguyên lý, đặc trưng mỹ học dân tộc, hãy khảo cứu, phân tích sự đa dạng, nhưng thống nhất của nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Khi nghiên cứu âm nhạc, người ta thường chia ra nhiều chuyên ngành cơ bản khác nhau như: Thang âm, nhịp điệu, điệu thức, nhạc cụ học…trong nhạc cụ học lại có sinh học và xã hội học của nhạc cụ, nhạc lễ, nhạc dân gian, dân ca, lý hò, vè, đồng giao, nhạc sân khấu…Bởi vì trong đời sống văn hoá, âm nhạc có nhiều chức năng khác nhau, được sử dụng ở những trường hợp khác nhau. Có lọai chỉ chơi lúc rạng đông, chỉ chơi trong nhà, có loại chỉ dành cho nam hoặc chỉ dành cho nữ giới…chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu một số mặt căn bản giúp nhận ra cái hay, cái đẹp, cái độc đáo mang tính bản sắc.

hqn2

 – Âm nhạc là thanh âm, nhịp điệu hài hoà giữa con người với vũ trụ theo nguyên lý “ thiên nhân hợp nhất” hay “ thiên nhân cảm ứng”. Âm thanh từ các nhạc khí, lời ca tiếng hát là sự kết tinh những tần số giao động trong vũ trụ được con người sáng tạo nên nhằm thoả mãn tâm thức luôn động – vọng của mình với nhiều nỗi niềm hỉ, nộ, ái, ố…để giao cảm với trời đất, và con người với nhau.

Theo giáo sư Trần Văn Khê, nhạc ký ghi: Khí đất bốc lên và khí trời bay xuống. Hai nguyên lý âm dương giao hoà và trời đất ảnh hưởng lẫn nhau. Vạn vật sinh ra do tiếng vang đột nhiên của sấm sét và thúc đẩy mưa gió. Chúng phát triển qua ảnh hưởng của bốn mùa, tiếp nhận sức nóng của mặt trời và mặt trăng. Tất cả những biến hoá của vũ trụ đều theo như thế cả. Âm nhạc bắt chước sự hài hoà ấy giữa trời và đất. Trong sự sáng chế nhạc cụ cũng như sự quy định kích thước của chúng, số lượng dây thang âm, các con số đều được chọn lọc cho có lien hệ chặt chẽ với các dữ kiện vũ trụ – vua Phục Hy chế đàn cầm năm dây tượng trưng ngũ hành: thuỷ, mộc, hoả, thổ, kim, đáy phẳng như mặt đất, mặt tròn như bầu trời, kích thước, số dây đều được quy định cho phù hợp với hài hoà vũ trụ.

Mỹ học phương Tây phân loại âm nhạc là nghệ thuật của thời gian. Phương Đông không có quan niệm này, bởi không có khái niệm tách rời thời gian và không gian, mà không gian – thời gian cùng mọi sự vật vận động theo chu kỳ, nói cách khác là mỗi sự vật đều đang biến đổi cùng sự vận động của vũ trụ ( không có cái gì đứng yên). Vì vậy, có thể nói: mỹ học phương Đông quan niệm âm nhạc là nghệ thuật của cả thời gian và không gian.

– Thời gian là chỉ sự diễn biến trước sau, cái này trước cái kia…

– Không gian là để so sánh hình dáng, kích thước giữa vật này bên cạnh vật kia.

Ví dụ: chúng ta đang lớn lên, hay đang già đi, người ta thường quen chỉ nghĩ về sự tác động của thời gian, nhưng thực chất khi người ta lớn lên hay già đi thì hình hài (vật thể – không gian) cũng đổi thay, và có sự tác động đến các sự vật xung quanh mình. Ví dụ khác, trăng khuyết (hình lưỡi liềm) tức là trăng đang chuẩn bị tròn, đêm (trời tối) tức là đang chuyển dần sáng, ở bên này bán cầu là sáng thì ở bên kia bán cầu lại nói là tối, khi nghe tiếng đàn người ta lại có thể hình dung ra cảnh núi cao, dòng suối chảy, hình dung ra nhiều không gian khác nhau như câu chuyện Bá Nha –Tử Kỳ…mọi danh xưng, khái niệm được “gọi tên” đều tương đối, mà nếu không thoát ra được những danh xưng, tên gọi ấy sẽ khó lòng mà thấy được sự vận động liên tục của vũ trụ mà con người cũng là “một tiểu vũ trụ”. vì vậy mà ở nước ta nói: Vũ là không gian, Trụ là thời gian, gọi là Vũ trụ, không gian gọi là Thiên trật, thời gian gọi là Thiên tự, gọi là Trật tự…

Do vậy, chúng ta có thể kết luận: âm nhạc cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật đều là nghệ thuật của Thời – Không gian, hay nói ngắn gọn là nghệ thuật mang tính vũ trụ, tính vận động, phát triển liên tục. Mọi nghệ thuật đều là sự tác động hài hoà giữa con người với vũ trụ. Nghệ thuật âm nhạc diễn tả vũ trụ, tình cảm con người bằng âm thanh, tiết tấu, làn điệu… Việt Nam có cách diễn tả riêng theo những cung bậc thăng trầm của lịch sử hàng ngàn năm, thang âm vang vọng từ trong tâm hồn người in đậm hình bóng quê hương đất nước, núi thẳm rừng sâu, sông dài, biển rộng, luỹ tre, con đò, hàng dừa, bến nước, đồng lúa, cánh cò…

 Nhịp điệu

– Chúng ta thường nghe nói: Nhịp sống đô thị sôi động, nhịp mái chèo đưa khoan nhặt trên sông…là nhịp điệu hoạt động của con người được nhận thức bằng cảm tính. Sự vận động chung của sự sống muôn vật được các nhà khoa học gọi đó là nhịp sinh học. Phương Đông gọi đó là “nhịp vũ trụ”, bao gồm các cặp phạm trù Âm -Dương; Nóng – Lạnh; Sáng – Tối, chi phối toàn bộ sự vận động, phát triển của sự sống trong vũ trụ. Nhịp hít vào – thở ra của phổi, nhịp ngưng – nhịp đập của tim, nhịp chuyển ngày- đêm, thứ c- ngủ, hoạt động – nghỉ ngơi, nhanh – chậm, và vui nhộn – buồn bã, ưu tư – hạnh phúc…tất cả sự sống đều vận động theo một nhịp độ nào đó hài hoà với nhịp độ của vũ trụ.

– Khoa học có thể đo được nhịp tim bằng máy điện tâm đồ, tần số rung của các neron thần kinh trong não bộ…nhưng làm sao đo được tình cảm vô cùng phong phú, đa dạng của con người, như: nhịp chiều ngả xuống những tàn cây, hương hoa hé dần trong nắng sớm ? Làm sao đo được khi hai trái tim thổn thức hoà lẫn vào nhau…? Khi mà phương Đông cho rằng nhịp điệu của mọi sự vật trong thế gian này đều tác động đến nhau:

“ Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”

                        “ Đưa người ta không đưa sang sông

                        Sao nghe có sóng động trong lòng”…

                        “ Ví dầu cầu ván đóng đinh

                        Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”…

Vì vậy mà có âm nhạc, là sự kết tinh những thanh âm, nhịp điệu sinh học thể hiện mọi trạng thái tình cảm của con người giao hoà với nhau, với thiên nhiên trong cuộc sống.

– Với quan niệm riêng về sự liện hệ chặt chẽ giữa con người và vũ trụ ( Thiên nhân cảm ứng, thiên nhân hợp nhất…) , môi trường sống, điều kiện lịch sử, tự nhiên, xã hội…dân tộc ta sáng tạo nên sắc thái, nhịp điệu trong hệ thống ngữ âm ( bằng-sắc-nặng-hỏi-ngã), ngữ điệu, ngữ khí mà từ đó hình thành nên hệ thống âm nhạc cực kỳ khoa học, đậm đà bản sắc cũa dân tộc mình.

 Thang âm

– Nếu phương Tây có thang âm bình quân: đồ, rê, mi, fa, son, la, si, đố, thì thang âm của người Việt là ngũ âm: Hò, xự, xang, xê, cống; (Trung quốc là Cung, thương, giốc, chuỷ, vũ). Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc thì thang âm của người Việt, người Chăm và nhiều dân tộc khác ở nước ta hầu như chịu ảnh hưởng và giống nhau. Trong sách Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn ghi âm giai của ta là: Hò, xự, xang, xê, cống, cấu, líu, ú, xán. Như vậy không phải 5 âm, mà thành 9 âm. Thực chất đó là cách gọi khác của cùng một âm ở những cao độ khác nhau, mà nhà nghiên cứu Mịch Quang thấy rằng một âm là dây buông, và cũng âm đó nhưng lại bấm ngón.( âm Hò khi chuyển lên cao thì xướng âm thành Líu, chứ không xướng là Hó).

– Phương Tây cố định các âm ở những âm vực, độ cao nhất định theo chuẩn mực quy ước chung như: đồ cách rê một cung, rê cách mi một cung…mi cách fa, si cách đô nửa cung, ta gọi những âm cố định này là “Định âm”. Trong khi đó, các âm Hò, xự, xang, xê, cống của ta không cố định âm theo luật trung bình, các âm có thể già, non một chút xíu chỉ bằng 1/10 quãng âm trung bình, thậm chí không đo được, rất tinh tế (Như đàn bầu chẳng hạn) ký âm quãng bán âm thăng, giáng của phương Tây không ghi được. Các âm khi ta đàn thì luôn nhấn nhá tuỳ theo tình cảm người sử dụng, hát thì luyến láy ngẫu hứng, chứ không cố định như phương Tây.

– Tại sao vậy? Có phải âm nhạc của ta tuỳ tiện, chưa đạt đến chuẩn mực khoa học, do đó không phát triển được?

Nghệ thuật nào thì cũng mang tính Người – tính nhân văn, nói cách khác nghệ thuật là Nhân học, khoa học về con người. Phương Tây cố định cao độ, nhịp độ…một cách tuyệt đối để thể hiện muôn vạn trạng thái tình cảm vô cùng của con người, tức là dùng cái tuyệt đối (tĩnh) để diễn tả cái tương đối ( động), cái hữu hạn để diễn tả cái vô hạn là một vấn đề bất cập và không bao giờ thoả mãn được nhu cầu đời sống tinh thần, tâm lý, tâm linh của tất cả con người trên những vùng lãnh thổ, dân tộc khác nhau, mà ngày nay chính các nhà nghiên cứu âm nhạc đã thấy sự bế tắc từ phương pháp của nó, và quay về chiêm ngưỡng vẻ đẹp sinh động, linh hoạt của âm nhạc phương Đông.

Con người luôn vận động với sự tác động liên tục với xã hội và tự nhiên, do đó nảy sinh những trạng thái tinh thần tình cảm khác nhau, vì vậy đàn – hát một khúc điệu nào đó mỗi lần cũng rất khác nhau, lại còn tuỳ thuộc vào người nghe ( là một phần của mình) tác động ngược lại mới sáng tạo nên khúc điệu ấy, người ta gọi sự tác động qua lại này là quan niệm “ Đồng sáng tạo” –“ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cộng hưởng nghệ thuật của nghệ thuật phương Đông nói chung,Việt Nam nói riêng. Bởi chúng ta không quan niệm phân biệt chủ thể với khách thể như phương Tây, mà khách hay chủ đều được sinh ra từ bản thể, có quan hệ hỗ tương với nhau, đây chính là một trong những nguyên lý mỹ học dân tộc. Ông cha ta sáng tạo âm nhạc cụ thể với một số đặc trưng rất khoa học, ta gọi là khoa học biện chứng phương Đông.

 Nghệ thuật mô hình ( Lòng bản)

Mô hình là gì ?

Không nên hiểu mô hình là sơ đồ, hình mẫu, công thức…nó tương đương với từ “model” của châu Âu, nay phổ biến trong ngành tin học họặc điều khiển học. Ở tin học, có thể xem nó như phần cứng, phần mềm ứng dụng, đa dùng, đươc lập trình để xử lý cho nhiều ứng dụng…Trong điều khiển học, nó là một cấu trúc với nhiều phần, điểm cụ thể cố định, và những phần, điểm có thể thay đổi để thích nghi với nhu cầu hoạt động thực tiễn, do người điều khiển thay đổi. Ví dụ: con người có chung một mô hình ta gọi là “mô hình người” gồm có khung xương, lục phủ ngũ tạng, mô hình người Nam, mô hình người nữ ( phần cứng )…nhưng lại có những điểm riêng biệt luôn thay đổi như người Á- người Âu, vùng này- vùng kia, người thấp- người cao, người béo- người gầy, người đi- người đứng, người chạy- người ngồi, hôm nay thấp- mai lại cao, năm ngoái gầy- năm nay ú, hồi trước mảnh mai- tương lai ( phần mềm)…như vậy, mô hình là một cấu trúc chung cho một loại vận động nào đó, bao gồm những phần, đặc điểm cố định và những điểm, phần luôn thay đổi đến vô cùng do những tác động trong quan hệ sinh tồn, phát triển.

Một số kiểu mô hình nghệ thuật dân tộc.

Hầu như tất cả các loại hình nghệ thuật dân tộc ta, từ dân gian đến bác học, đều được sáng tạo bằng phương pháp mô hình hoá, bắt nguồn từ cơ sở vũ trụ luận, nguyên lý, đặc trưng mỹ học dân tộc. Nhờ vậy mà mỗi một mô hình có thể tự điều chỉnh, biến đổi để thích nghi với điều kiện vận động thực tế, tạo nên sự mới mẻ, phát triển phong phú, nhưng nó vẫn là nó.

Hãy so sánh một kiểu phổ biến nhất của một ca khúc mới với một làn điệu dân ca truyền thống của ta. Ở ca khúc mới, tất cả các cao độ, trường độ đều được cố định tuyệt đối, vì vậy âm của ca từ phải luôn trùng khớp với âm của nốt nhạc đã cố định, trường độ cũng vậy. Ví dụ:

“Hà Nội mùa thu”…nếu lời thay là Hà Nội mùa xuân, mùa đông có thể được, nhưng không thể hát Hà nội mùa he, mùa ha…cũng thế, nếu hát “ Sài gòn đẹp lắm…” sẽ không biến đổi được thành Đà nằng, Thành hoà, nghề àn, Cần thờ, Cà màu đẹp lắm …đó là sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt, tĩnh tại của loại “cấu trúc khép kín” phương Tây, mỗi tác phẩm sẽ chỉ tồn tại độc lập, riêng biệt, thể hiện một trạng thái tình cảm nhất thời, nếu muốn thay đổi lại phải sáng tác tác phẩm khác.

Ở ca khúc cổ truyền của ta, trong mỗi bài bản chỉ có một số âm được quy định tương đối mà các nghệ nhân gọi là “Lòng bản”, “Láy lệ”, còn các âm khác thì có thể biến đổi tuỳ theo nhu cầu sáng tạo cụ thể của từng người trong từng lúc từng nơi. Ví dụ:

Bài Cách cú của Chèo :

“ Chị em chúng ta…í..i…”

lại cũng có thể thay lời có cao độ khác là:

anh em chúng ta …í…i

Bài Kim tiền của Huế:

“u…xán…líu – xề…cộng…tồn…liu

Với lời ca                   Hoa sen đượm mùi hương.

Khi cần người ta thay đổi cả một số nốt ( Điểm biến cho phép) như: U..líu..u..xán..líu – Xán…u..líu..xề..xàng..cộng..liu, và lời ca thêm bớt rất thoả mái uyển chuyển, linh hoạt.

Về hoà tấu cũng theo quy luật phát triển mô hình như vậy. Mỗi cây đàn khi hoà tấu chỉ cần giữ đúng những nốt “ lòng bản” của mô hình bản nhạc, và mỗi cây có thể tự do ứng tác, thêm bớt vài nốt mà vẫn hoà với nhau rất hay, tạo ra kiểu “ đối vị độc lập” Âm – Dương, tương phản, thống nhất. Không giống như phương Tây, khi hoà tấu thì tất cả dàn nhạc phải đánh chính xác các nốt quy định theo từng tổ, bộ, nhóm…

Trong ca nhạc cổ truyền của ta có mấy kiểu mô hình như sau:

–         Mô hình ca khúc phổ thơ dân gian : dân ca

–         Mô hình ca khúc nhạc thính phòng: Ca Huế; Đờn ca tài tử.

–         Mô hình nhạc lễ không lời.

–         Mô hình nhạc gõ.

–         Mô hình làn điệu dân ca: các kiểu Hò; Lỳ; hô; ví…

–         Mô hình làn điệu Tuồng (Hát bội).

Kỹ thuật diễn tấu

hqn3

Một điểm rất quan trọng của diễn tấu âm nhạc dân tộc là cấu trúc mô hình tạo điều kiện cho người đàn người hát được tự do sáng tạo, thể hiện rõ cá tính, tài năng của từng người. Cùng một nốt (ngoài lòng bản) nhưng người hát người đàn có thể hát, đàn cao (già) hoặc thấp (non) hơn một chút, thậm chí thêm hoặc bớt nốt cho phù hợp hài hoà lại càng hay. Ví dụ như các bài Ru.

Trong ca hát phổ thơ truyền thống còn chia ra hai loại: Bài và Điệu.

– Bài là dạng ca khúc, khi soạn lời mới ( lời thơ mới) phải đúng với luật bằng trắc và thống nhất với các nốt đã quy định trong mô hình bài nhạc cũ.

– Làn điệu thì lời mới chỉ cần tuân thủ luật của thể thơ tương ứng.

Khi diễn tấu, các nốt nhạc luôn được nhấn nhá, luyến láy (non-già) chứ không định âm ở một cao độ nhất định như phương Tây. Người ta gọi đó là “láy lệ” ( luật lệ) hay có thể gọi là láy “âm dương”. Tôi ( Hoàng Hoài Nam) xin được bổ sung về lý luận của phần cấu trúc, diễn tấu này phản ánh rất rõ quy luật vận động của mọi sự vật theo quan niệm thi pháp của phương Đông, đó là cấu trúc, diễn tấu theo kiểu “ Hư- Thực” “ Sắc- Không”. Âm nghe được là Thực, là Sắc nhưng luôn nhấn nhá luyến láy (vận động, biến đổi) để tạo ra Hư, Không, và chiều cảm nhận khác là các âm luôn nhấn nhá, luyến láy nên âm nghe được chỉ là Hư, là Không đang chuyển sang Thực, Sắc, cứ như vậy trong quá trình vận động luôn là Sắc- không, Hư- Thực. Trong cuộc sống cũng vậy, mọi sự vật ta thấy, cảm nhận được bằng các giác quan ( Sắc – Thực) đang biến đổi sang dạng khác ( Không – Hư), ta khó cảm nhận quá trình biến đổi đó mà thôi . Nếu nói chúng ta đang lớn lên hay đang tiến dần đến cái chết thì cũng vậy cả thôi ( theo nghĩa triết học) mà quá trình này đang diễn ra trong từng satna 1/000.000 giây thì làm sao thấy, cảm được.

Các loại nhạc cụ:

Chúng ta có nhiều nhạc cụ độc đáo có niên đại hàng ngàn năm như trống đồng, đàn đá, đàn bầu, các nhạc cụ làm bằng đất như ống huân, bằng tre trúc như sáo, tiêu, bộ gõ với các loại trống, mõ, cồng chiêng, thanh la…tạo nên âm sắc phong phú. Dàn nhạc bát âm gồm: da, đất, sắt, tơ, trúc, gỗ, đá, đồng. Qua đó thấy được các chất liệu làm nên nhạc cụ, mỗi chất liệu lại tạo ra nhiều nhạc cụ có âm sắc khác nhau.Trong cuốn các nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam của GS. Tô Ngọc Thanh và một số tài liệu khác đã giới thiệu vài trăm loại nhạc khí có âm sắc độc đáo của từng vùng miền.

Điệu thức và thể loại

Nếu như phương Tây có hai loại điệu thức cơ bản là Trưởng và Thứ, thì theo nhà nghiên cứu Thuỵ Loan, chúng ta có: điệu Bắc, điệu Nam. Mỗi điệu lại biến thành nhiều điệu, bài bản khác. Qua nhiều vùng miền lại thêm nhiều sắc thái làm giàu thêm cho âm nhạc dân tộc.

Âm nhạc của ta không phân rạch ròi điệu trưởng hay thứ, trong một câu nhạc đã có thể biến đổi điệu thức một cách uyển chuyển, rất tinh tế.

Cấu trúc

Kế thừa.

Kế thừa là quy luật chung của sự vận động phát triển, cái mới bao giờ cũng bắt đầu từ cái cũ, hiện tại bao giờ cũng gồm có quá khứ và tương lai. Chúng ta không phân định, chủ biệt sự vật như phương Tây, vì vậy trong nghệ thuật cũng được cấu trúc, diễn tấu theo quan niệm chủ toàn, tương thừa, tương sinh, tương phản, tương thành.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc Mịch Quang gọi hình thức cấu trúc của âm nhạc truyền thống là kiểu “ Gối đầu”, có người gọi là kiểu “Xếp ngói”. Đó là sự thường xuyên lấy âm cuối câu trước làm âm đầu câu sau. Dân ca lấy lại ( Láy) thuần tuý bằng lời thơ, hoặc bằng nốt nhạc. ví dụ:

 “ Người ơi về người ở đừng về

                                    Người về” ……

                                     “Mà này cũng có a trông bèo

                                    Trông bèo là bèo…trôi

Hay:

 “Một yêu, yêu tóc bỏ, bỏ đuôi gà”…

Trong Tuồng:

Nói lối: “Đã phủi rồi son phấn một trường

 Âu trở lại nước non nghìn dặm

Hát Nam: Nghìn dặm thẹn cùng non nước”…

Trong một số thể thơ, thì câu sau bao giờ cũng kế thừa hoặc là lời hoặc âm, vận ( vần) của câu trước. Thơ Lục bát chẳng hạn:

“ ……..”

Trong các điệu nhạc cổ như Xàng xê, Cổ bản, Nam xuân, nam bình… đều cấu trúc như vậy.

Kết lửng

Kết lửng là kết bài ở bất cứ lúc nào, gây cảm giác còn tiếp diễn mãi, không bao giờ là tận cùng, dư âm còn vang vọng trong lòng người.

Khác với loại ca khúc mới sáng tác theo phép bình quân của phương Tây hiện nay, thường khi kết bài, nốt cuối sẽ là âm chủ. Nghệ thuật diễn tấu âm nhạc của ta theo cấu trúc vòng tròn đan xen lẫn nhau, lời hát và nốt nhạc không nhất thiết phải trùng khớp với nhau, nhưng luôn hoà hợp. Trong bất kỳ một điệu thức nào, tất cả các âm đều có thể là bắt đầu, lại vừa có thể là âm kết. Nói chính xác là không bao giờ có kết, mà luôn là sự biến đổi của các dạng vận động mà thôi.

 Một số loại âm nhạc cổ truyền

–   Như phần trên chúng ta đã nêu, ở nước ta có nhiều loại thể âm nhạc phong phú, nhưng có thể phân thành hai loại cơ bản là Bài và Điệu.

–   Loại ca: Ca trù, Đồng dao, dân ca Quan họ, ca Huế, Bài chòi, ca Tài tử, Cải lương…

–   Điệu: Làn điệu Tuồng, làn điệu Bài chòi, Chèo, Lý, Ví dặm, Hò, Vè, Trống quân…

–   Tuỳ theo môi trường tự nhiên, điều kiện xã hội mà mỗi vùng miền phát triển một loại. Vùng sông nước đồng bằng Nam bộ phát triển loại Hò, điệu thì chủ yếu là Ai, Oán. Miền Bắc phát triển dân ca, điệu thì chủ yếu là Bắc, miền Trung là các điệu Lý, Ví, và điệu thì chủ yếu là Nam.

–   Tuy vậy, tất cả các loại đều có một gốc của người Việt, khi di dân, hành trang họ mang theo là lời ca tiếng hát truyền từ thế hệ này qua thế hệ sau, chủ yếu là bằng con đường truyền khẩu. Cũng do môi trường mà âm sắc ngôn ngữ cũng thay đổi theo từng vùng, miền, âm nhạc cũng biến đổi theo. Lòng bản các bài các điệu không thay đổi nhưng các điểm luyến láy biến đổi tạo nên sự đa sắc cho âm nhạc của ta. ( Lý con sáo Trung, Nam bộ…)

–   Từ láy, từ đệm là yếu tố quan trọng làm thay đổi cấu trúc của điệu trong mô hình âm nhạc dân tộc. ví dụ:

Câu thơ                     Một yêu tóc bỏ đuôi gà

                                     Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên.

Khi hát:

                                    Một yêu…yêu… tóc bỏ…(bỏ) đuôi gà

                                    Hai yêu…yêu…ăn nói…nói…mặn mà…(mà)…có duyên

                                    Tình tính tang tang tính tình

                                    Anh chàng rằng anh chàng ơi

                                    Rằng có nhớ nhớ hay chăng…

Thì đó là điệu Cò lả.

Nhưng nếu hát là:

Một yêu…(thời).. tóc bỏ…(chứ)..đuôi gà

                                    Hai yêu…(thời).. ăn nói…(chứ)…mặn màcó duyên…i…i

Thì đó là điệu Trống quân

Nếu hát là:

Một yêu tóc bỏ đuôi gà

                                     Hai yêu ăn nói…(ố tang ố tang tình tang, tình tang tình)…

                                    Mặn màcó duyên (ố tang ố tang tinh tang)….

Thì đó là điệu Lý tang tình.

Nếu hát:

                                    Một yêu tóc bỏ đuôi gà

                                    Hai yêu ăn nói…(ơi người ơi)…mặn mà…(ơi người ơi)…

                                    Có duyên…

Thì đó là điệu Lý hoài xuân.

Sự phát triển.

Âm nhạc tự nó biến đổi theo thời cuộc, kiểu cách ca trù cách đây vài trăm năm khác xa bây giờ, bài Dạ cổ hoài lang buổi đầu đến nay không còn như cũ nhưng người nghe vẫn nhận ra đó là Dạ cổ hoài lang, bài vọng cổ xưa với nhịp 8, tăng dần lên nhịp 16, rồi nay là nhịp 32…Chầu văn ở miền Bắc và Chầu văn Huế giống nhau mà vẫn có điểm khác, bài Lý ngựa ô miền Trung vào đến Nam bộ đã thay đổi nhiều nhưng vẫn cùng điệu thức thang âm, nhờ vậy mà người nghe vẫn nhận ra những làn điệu quen thuộc của quê hương mình, nhận ra Bản sắc văn hóa dân tộc.

Chúng ta nói Bản và Sắc có nghĩa là bản giống nhau nhưng sắc thì luôn biến đổi theo không gian-thời gian. Trong âm nhạc thì sắc thái thay đổi nhờ sự nhấn nhá, luyến láy khác nhau tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của nó. Đó chính là nghệ thuật mô hình, mỗi mô hình có những điểm bất biến tạo nên nguyên lý và đặc trưng không thể lầm lẫn với mô hình khác, nhưng đồng thời trong mỗi mô hình lại có những điểm luôn biến đổi để thích nghi với sự vận động liên tục của cuộc sống ta gọi là khả biến. Vì thế, âm nhạc truyền thống phải luôn cần có sự phát triển để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của thời đại, nếu không sẽ tự nó bị đào thải. Vấn đề là phát triển như thế nào để có được các bản nhạc, kiểu thức, diễn tấu tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Không thể ép các bạn trẻ nghe nhạc cổ truyền khi uống café, trao đổi thông tin chứng khoán, diễn biến thị trường thế giới, tình hình biển Đông, bê nguyên các điệu nhạc truyền thống vào sân khấu kịch nói, phim…mà phải có sự phát triển tử chính nền tảng nhịp điệu truyền thống đang nắn làn bẻ điệu với tiết tấu sôi động, sâu lắng, trong tình cảm, tâm tư của xã hội dương đại.

Chúng ta có một nền nghệ thuật âm nhạc lâu đời, được sáng tạo, bồi đắp qua nhiều thế hệ, có bản sắc độc đáo, rất uyển chuyển, nhân hậu, hiền hoà, tươi sáng được lưu truyền một cách tự giác từ thế hệ này qua thế hệ khác, cùng với sự hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì nhất định trải qua thời gian sàng lọc chúng ta sẽ có những tác phẩm nghệ thuật hiện đại đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *