skdahcm - Thay Hoa An

Nhạc dân tộc với vở diễn kịch nói tại TP.HCM

Người viết: Thầy Nguyễn Hòa An
Hiệu chỉnh: Thầy Nguyễn Công Ninh

skdahcm - Thay Hoa An

Âm nhạc là bộ phận khá quan trọng trong việc hình thành nên vở diễn kịch nói, “nhạc có vai trò khơi gợi, tạo giá trị tình cảm và gây không khí cho vở diễn”… Đó là chưa nói ngày nay, theo trào lưu của thế giới, người làm nghề tại thành phố chúng ta đã đưa ca và múa với dung lượng lớn vào vở diễn để kết cấu thành một vở ca múa nhạc kịch ngày một nhiều hơn đã tạo cho âm nhạc chiếm vị trí ngày càng lớn hơn trong vở diễn. Và khi làm nghệ thuật, ai cũng muốn trong vở diễn của mình có được ít nhiều bản sắc riêng, không đụng hàng, cho nên, nếu xử lý bằng âm nhạc mà hiệu quả thì sẽ chắc chắn tạo được nét riêng biệt thú vị.

Với đặc trưng các vở diễn kịch nói TPHCM hiện nay thường lấy đề tài gần gũi ở các vùng miền trên cả nước nên việc chọn nhạc cũng thường được tập trung vào mảng nhạc dân tộc là khá nhiều, các bài hát, các bản hòa tấu đậm chất dân ca 3 miền Bắc Trung Nam, các nhạc cụ dân tộc như đàn cò, đàn bầu, đàn nguyệt, sáo, trống,… được sử dụng rất nhiều trong vở diễn, vì nó rất phù hợp với đề tài và nội dung của các vở diễn này. Điều đó là hợp lý và rất đúng với chủ trương đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong văn hóa nghệ thuật của Đảng và nhà nước ta. Nổi lên rõ rệt nhất trong việc sử dụng nhạc dân tộc trong vở diễn kịch nói là các vở mang đề tài lịch sử (ví dụ: Bí mật vườn Lệ Chi, Tình sử ngàn năm, Nỏ thần, Tả quân Lê Văn Duyệt,…), trong các vở này, nhạc dân tộc hiển nhiên phải được sử dụng nghiêm cẩn và triệt để, vốn nhạc truyền thống là kho tàng vô giá để cho các vở kịch thuộc đề tài lịch sử khai thác với trữ lượng dồi dào và hầu như chưa thấy được thời điểm cạn kiệt. Đặc biệt, hiện nay khuynh hướng dựng vở có đề tài nông thôn miền Tây Nam bộ rất được ưa thích (ví dụ: các vở diễn được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Ngọc Tư), vì thế, nhạc dân tộc được sử dụng với liều lượng cao nhưng vẫn tạo rất nhiều hiệu quả trong các vở diễn.

Bên cạnh đó, nhạc dân tộc thấm sâu vào lòng người Việt Nam từ thuở mới lọt lòng nên khi nghe những giai điệu mang mác, dặt dìu hồn đất, hồn người Việt trổi lên, những hình ảnh êm đềm, thấm đượm hồn quê hiện lên trước mắt người xem trong vở diễn qua những câu chuyện, những nhân vật gần gũi, thân quen như từ trong tiềm thức tuôn trào ra (được tạo ra từ êkíp làm nên vở diễn như: tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, nhạc công, họa sĩ, hóa trang,…) luôn tạo nên nguồn cảm xúc mãnh liệt trong lòng khán giả…

Ngay cả những vở diễn có đề tài và nội dung của các nước khác hoặc những vở có sự cộng tác của đạo diễn nước ngoài dàn dựng tại TPHCM ta vẫn thấy nhạc dân tộc được sử dụng một cách rất khéo léo, đầy sáng tạo trong vở diễn (ví dụ: “Ông Jourdain ở Sài Gòn”, Đạo diễn: Trần Minh Ngọc và Vincent Colin). Và việc đưa những bản nhạc mang âm hưởng nước ngoài đã được phối lại có kết hợp rất nhiều các nhạc cụ dân tộc trong vở diễn đã tạo nên hiệu quả rất riêng biệt, một sự kết hợp âm nhạc Đông, Tây trong vở diễn mà mối nối dường như không thể thấy bởi nó quá hài hòa, khắng khít với nhau. Nhạc dân tộc hay những nhạc cụ dân tộc trong vở diễn cũng là một nét thuận lợi với dấu ấn độc đáo vùng miền trong việc đưa tác phẩm nghệ thuật đến với Việt kiều, du khách nước ngoài, đến với các đêm diễn trong các cuộc giao lưu văn hóa, các cuộc thi với các nền sân khấu các nước, nhạc dân tộc Việt như là chiếc cầu nối về cảm xúc cho những người làm vở diễn, cho khán giả đồng cảm với nhau hơn khi thể hiện và thưởng thức vở diễn… Bởi điều quan trọng là những vở diễn này khi kết hợp với nhạc dân tộc là những vở có đề tài và nội dung rất phù hợp với việc xử lý âm nhạc dân tộc nên hiệu quả của nó đã được phát huy rất cao độ, nhạc dân tộc đã tạo được nét riêng cho vở diễn này và chính vở diễn này đôi khi đã làm cho nhạc dân tộc có đời sống lâu dài và vững chắc hơn trong lòng khán giả.

Bên cạnh sự kết hợp đầy chất thăng hoa giữa âm nhạc dân tộc và vở diễn, vẫn còn đó những ưu tư khi có những sự kết hợp không thống nhất và thuần chất khi cố gắng ép các bài hát, bài phối, nhạc cụ dân tộc vào các vở diễn mà đề tài và nội dung không hề phù hợp với tạng nhạc truyền thống. Một kiểu “ép hôn âm nhạc dân tộc trong vở diễn” nhằm tìm kiếm sự về nguồn sống sượng, sự hưởng ứng đi tìm bản sắc dân tộc thô thiển,… điều đó đôi khi làm mất đi ít nhiều ý nghĩa tốt đẹp của chủ trương đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong văn hóa nghệ thuật.

Vẫn còn đó những vở diễn thường lấy nhạc sẵn có của nước ngoài sử dụng vào những vở diễn rất cần kết hợp với nhạc dân tộc để tạo hiệu quả tốt nhất. Lý do có thể là vì để đỡ tốn tiền, tốn công sức hoặc do thiếu hiểu biết trong phạm vi tìm nhạc đưa vào vở diễn. Chất lượng vở diễn này khi kết hợp với nhạc thường không cao, không mang bản sắc riêng vì không tìm ra được chìa khóa xử lý âm nhạc trong khi vốn nhạc dân tộc đang ở sát cạnh bên mình chỉ cần người có Tâm và có Tầm biết cách đưa vào sử dụng để nâng chất lượng vở diễn lên về mặt âm nhạc. Đôi khi việc đưa nhạc nước ngoài vào các vở diễn mặc dù biết rằng nếu chọn nhạc dân tộc đưa vào sẽ hiệu quả hơn về mặt nghệ thuât cũng do tâm lý vọng ngoại của những người làm vở và cũng có khi do thỏa hiệp với tâm lý vọng nhạc ngoại của một số khán giả. Về việc này thì dù bất cứ lý do nào cũng đáng trách vì đó là một lỗi cố ý và thỏa hiệp với điều không đúng.

Nhạc dân tộc nói cách nào đó là hồn cốt của dân tộc Việt, chẳng lý nào ta hiểu khá rõ về âm nhạc nước ngoài nhưng lại lơ là với những tinh hoa văn hóa dân tộc. Sử dụng đúng, đủ và hay nhạc dân tộc vào trong vở diễn là hơn một cách góp phần vào tiếp thu, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc, tránh việc để mai một đi những tài sản tinh thần vô giá mà ông cha ta đã để lại. Việc lưu giữ ấy trong quá trình đưa âm nhạc dân tộc vào vở diễn có nhiều cách, hơn một trong những cách đó là: có thể tăng cường việc sử dụng nhạc dân tộc vào vở diễn thật chính xác, hiệu quả, triệt để hơn nữa, có thể tăng cường vốn hiểu biết về nhạc dân tộc đến các bộ phận quan trọng của vở diễn như tác giả, đạo diễn, diễn viên,… có nhiều hơn nữa những vở diễn về những danh cầm nhạc dân tộc, về nhạc cụ dân tộc,… đây cũng là một cách bổ trợ thêm đề tài và nội dung khá riêng biệt và độc đáo cho những người làm nên vở diễn,…

Với chủ trương hòa nhập chứ không hòa tan của Đảng và nhà nước ta nhất là trên mặt trận văn hóa nghệ thuật khi ra biển lớn toàn cầu, dù là những công việc lớn hay nhỏ, quan trọng nhiều hay quan trọng ít, dù là Nhạc dân tộc trong vở diễn hay một Cuộc liên hoan âm nhạc dân tộc, thì việc mỗi người dân TPHCM nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung đưa một cánh tay ra nâng niu, vun vén góp lại từ nhiều cánh tay cũng sẽ thành một khối sức mạnh to lớn để duy trì và phát triển âm nhạc dân tộc, góp phần giữ vững bản sắc văn hóa Việt trong trong mênh mông bản sắc văn hóa các nước, vẫn thấy được bông hoa Việt Nam nổi bật thơm ngát giữa rừng hoa thế giới./.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *