skdahcm - Ky yeu

Giáo dục -Đào tạo âm nhạc cổ truyền trong Sân khấu, Điện ảnh

Người viết: Nhà giáo, Nhạc sĩ – Phan Nhứt Dũng

pnd1

Xuất thân từ gia đình có truyền thống âm nhạc cổ truyền (ngành Nhạc lễ Nam bộ) và giảng dạy hơn 30 năm trong ngành âm nhạc Tài tử – Cải lương, Trường Nghệ thuật Sân Khấu II; Nay là Trường Đại Học Sân khấu – Điện Ảnh , TPHCM.

Với những cảm nghĩ, suy tư và trăng trở trước những sự đổi thay từng ngày của nền nghệ thuật Dân Tộc nói chung; âm nhạc Cổ truyền trong Sân khấu, Điện Ảnh nói riêng. Tôi xin được đóng góp một phần ý kiến của mình vào việc Gíao dục, Đào tạo âm nhạc cổ truyền trong Sân khấu–Điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu–Điện ảnh Tp.HCM như sau:

Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Xây dựng nền vǎn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”. Muốn giữ gìn và phát huy bản sắc vǎn hóa dân tộc, trước hết phải giữ gìn những tinh hoa truyền thống.

Nước ta có âm nhạc từ rất sớm, âm nhạc đã tham gia tích cực vào toàn bộ đời sống sinh hoạt của xã hội. Nếu ta lấy bộ đàn đá được tìm thấy đầu tiên ở Việt Nam vào nǎm 1949 có 5 âm trên 7 thanh đá, hoặc nếu chúng ta chỉ lấy chiếc trống đồng Ngọc Lũ với khá đầy đủ những hình thức sinh hoạt âm nhạc từ nhạc cụ đến cảnh hát đối đáp nam nữ, cảnh gõ nhịp đua thuyền được khắc trên mặt trống và tang trống thì chúng ta cũng đã có quá đủ cứ liệu để chứng minh đất nước ta có một nền vǎn hóa âm nhạc từ rất sớm. Nền vǎn hóa âm nhạc ấy đã phát triển liên tục trong suốt chiều dài lịch sử có lúc thǎng, có lúc trầm, có lúc thịnh, có lúc suy. Song từ chính cái thǎng – trầm, thịnh – suy ấy, cha ông chúng ta đã tạo dựng được một nền âm nhạc truyền thống có nhạc ngữ riêng, có bản sắc riêng, phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại.

Về sau này, khoảng thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) trở đi, một hình thức âm nhạc thưởng thức đã ra đời, đó là hình thức ca nhạc thính phòng Huế. Dĩ nhiên là ở các triều đại trước đó, những hình thức âm nhạc thưởng thức cũng đã có, nhưng không ai còn nhớ, không sách nào ghi chép được các giai điệu của nó. Hình thức âm nhạc thính phòng Huế là sự hòa nhập giữa hai dòng nhạc Việt (từ Bắc vào) và Chiêm (bản địa) mà hình thành. Dòng nhạc ra đời đã đóng góp một ý nghĩa quan trọng, làm phong phú hình thức âm nhạc Việt Nam và khẳng định bản sắc của nhạc ngữ Việt Nam. Cũng chính từ những sáng tạo âm nhạc có giá trị ấy đã tác động mạnh mẽ tới nhiều hoạt động sáng tạo âm nhạc cổ truyền của cả nước. Nhưng đặc biệt nhờ vào sáng tạo âm nhạc thính phòng Huế đã làm nảy sinh nhiều hình thức âm nhạc truyền thống phương Nam như: Đàn, Ca Tài Tử – Sân Khấu Cải Lương là những hình thức âm nhạc mang tính chuyên nghiệp rất cao. Đây cũng chính là những kết quả sáng tạo lớn để hình thành nền âm nhạc cổ Việt Nam có tính mẫu mực.

Song song với những hình thức âm nhạc có tính kinh điển này, chúng ta còn có một nền âm nhạc dân gian vô cùng phong phú của 54 dân tộc. Đây là nền âm nhạc gắn liền với cuộc sống lao động, đời sống tâm linh, sinh hoạt cộng đồng như: Phường Bát âm, Nhạc lễ Nam Bộ – Hát Bộ…. Có thể nói, đó là một di sản khổng lồ, một minh chứng hùng hồn cho tuyến trình lịch sử sáng tạo âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam vốn có nền âm nhạc truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo và đa dạng như thế. Nhưng một bộ phận rất lớn thanh, thiếu niên từ chỗ không hiểu, hiểu không hết giá trị của âm nhạc truyền thống dẫn đến tôn sùng âm nhạc thương mại, chạy theo su hướng nhạc Tây, nhạc Hàn. Điều đó làm cho những người hoạt động âm nhạc dân tộc hết sức khó khăn. Thật vậy, trong thời đại giao lưu, hội nhập như hiện nay, giới trẻ có điều kiện tiếp xúc dễ dàng với các nền văn hóa khác, nhất là từ các nước phương Tây hay mới đây là Hàn Quốc, họ chuộng nhạc ngoại, và thần tượng ngôi sao đến mù quáng;

Xin trích một đoạn nhận xét theo lời GS. Tiến Sĩ Trần Văn Khê nhấn mạnh một điều cốt lõi trong vấn đề này: “Để giới trẻ yêu âm nhạc dân tộc thì ban đầu họ phải có cơ hội biết và nghe. Thế nhưng hiện nay điều kiện tiếp xúc với âm nhạc của giới trẻ còn quá hạn chế. Không chỉ hạn chế trong giáo dục ngay từ nhà trường mà còn hạn chế từ những phương tiện thông tin đại chúng như: Sân khấu – Phim ảnh, Truyền hình… Còn rất ích, đơn điệu và chấp vá“.

Ở góc độ Sân khấu – Điện ảnh thì trong những năm qua có những kịch bản và những dòng phim thị trường đang nở rộ và có phần lấn át, nhưng sân khấu và phim truyện Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đến nay vẫn có những tác phẩm đáng trân trọng như:

+        Về sân khấu : Đứa con truyền kiếp, Ông Jourdin, Hồn thơ ngọc, Người đàn bà đức hạnh, Huyền thoại cuộc sống, Thúy Kiều, Chiếc áo thiên nga…..

+        Về phim ảnh : Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông năm 1946, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát, Bến không chồng, Vào Nam ra Bắc, Bao giờ cho đến tháng 10, Nhìn ra biển cả, Đêm hội Long Trì, Mùi cỏ cháy, Long thành cầm giả ca, Cánh đồng bất tận…Thành công của những tác phẩm Sân khấu và những bộ phim chủ yếu là các tác giả, đạo diễn đã bám sát hiện thực sinh động và đa dạng của dân tộc ta trong các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là cuộc sống hôm nay khi toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục cuộc hành trình đổi mới và hội nhập tuy vô cùng gian nan, nhưng đầy hào hùng. Những đề tài về chiến tranh cách mạng, về lịch sử dân tộc vẫn được khai thác. Những chiều sâu nội tâm, những số phận nghiệt ngã của con người sau chiến tranh đi vào xây dựng và phát triển kinh tế thị trường được miêu tả sinh động, thể hiện rõ nét tính cách dân tộc, tính cộng đồng dân tộc, phẩm chất dân tộc, lẽ sống dân tộc, lý tưởng dân tộc…

Đây là thành tựu rất đáng ghi nhận về nội dung và thủ pháp thể hiện.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu nêu trên, đã và đang phát triển dòng nghệ thuật sân khấu ca nhạc tổng hợp với những ca khúc, trích đoạn (Cải lương Hồ quản) qua các Gemxô của Nghệ sĩ và những dòng phim mô phỏng, rập khuôn các kịch bản, các đạo diễn với cách xây dựng nhân vật, các thủ pháp nghệ thuật của nước ngoài, làm mất đi bản sắc dân tộc, đồng thời hiện nay không còn sân khấu cải lương để biểu diễn và giới thiệu những kịch bản hay mang tính kinh điển, từ đó đã làm cho 1 số đông công chúng sân khấu và điện ảnh phân tâm.

Điều đáng nói là 1 số Đạo diễn chưa lòng ghép, dàn dựng đúng nghĩa về bản chất của Âm nhạc Cổ truyền nói chung và Âm nhạc của từng vùng miền của 54 dân tộc nói riêng; có thể những nhà Đạo diễn chưa hiểu, chưa nghiên cứu tới nơi, tới chốn như :

+        Trong 1 bộ phim với tiếng đàn cò rất hay, mược mà thu hút người nghe và đã chinh phục được cô gái miền quê . Nhưng đạo diễn và quay phim lại không chú ý đến kỷ thuật cầm đàn của diễn viên khi diễn tấu khúc nhạc chử tình này; Vì người diễn viên đã cầm sai kỷ thuật khi diễn tấu “ Theo đúng cách khi diễn tấu nhạc cụ đàn cò thì tay trái của người chơi đàn để bỏ chử nhạc được đặc phía dưới khuyết của cây đàn cò thì mới đúng kỷ thuật ” nhưng người diễn viên khi chơi đàn lại đặc tay trái phía trên khuyết của cây đàn cò, vì như thế sẽ không thể thực hiện được bài, bản khi diễn tấu (sai kỷ thuật) nhưng quay phim cứ thế mà quay, đạo diễn, ban biên tập, ban kiểm duyệt cứ thế mà xuất ra chương trình .

+        Cũng trong 1 bộ phim khác được thể hiện vào thời kỳ lịch sử năm 1911, có 1 đoạn đạo diễn muốn mô tả tiếng đàn mộc mạc với bài bản tài tử của thời kỳ đó; Nhưng đạo diễn lại chọn bài Dạ cổ hoài lan để đưa vào kịch bản phim . Như thế là sai về tính chất bài, bản của thể loại ca nhạc tài tử vào thời đó (1911). Vì, bài Dạ cổ hoài lan được cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1916 và đến năm 1920 phổ biến và phát triển thành bản vọng cổ, mà sân khấu cải lương thường sử dụng trên sân khấu hiện nay….

pnd2

Đó là những điều không thể chấp nhận đối với dân tộc ta có hàng ngàn năm văn hiến. Về nguyên nhân tính dân tộc đang bị nhạt nhòa trong các phim truyện Việt Nam, đồng thời “Tính dân tộc được thể hiện qua các nhân vật còn thiếu tầm cao trí tuệ, chiều sâu nhân văn; tính đa nghĩa thủ pháp đạo diễn còn bị bó hẹp; tính hiện đại, yếu tố lạ trong văn hóa dân tộc chưa được ứng dụng tốt vào nghệ thuật điện ảnh.

Thực trạng trong nhiều nǎm qua, công tác giáo dục vǎn hóa truyền thống, giáo dục âm nhạc truyền thống của chúng ta trong cộng đồng còn rất yếu kém và thiếu đồng bộ; công tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong đào tạo làm chưa tốt, không có trường đào tạo nghệ thuật âm nhạc – Sân khấu – Điện ảnh nào của nhà nước có kế hoạch đào tạo bảo tồn, có chương trình nghệ thuật bảo tồn, mà hầu hết là đào tạo phát triển và hiện đại hóa cổ truyền, các chương trình biểu diễn, sáng tác, phim ảnh mô phỏng, phát triển cổ truyền của dân tộc, mà chỉ thể hiện theo lối biểu diễn, dàn dựng cách tân; thiếu độ chuẩn sát của âm nhạc cổ truyền và tính Dân tộc; (Tôi không phản đối mà thậm chí hết sức ủng hộ những sáng tạo nghệ thuật truyền thống đương đại, nhưng không thể coi đấy là cổ truyền được). Để góp phần xây dựng nền vǎn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh chúng ta đã được lên Đại Học đúng 5 năm và là trường duy nhất đại diện cho khu vực phía nam đào tạo ra những nhà Biên kịch, Nghệ sĩ, Diễn viên, Đạo diễn… của ngành Sân khấu – Điện ảnh, Truyền hình, chúng ta phải làm ngay đó là Bảo tồn và phát huy vốn di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống hôm nay. Vì, đến một ngày không xa, chúng ta sẽ đánh mất dần, mai một dần rồi mất hẳn một phần ký ức dân tộc, bản sắc dân tộc trong Sân Khấu, Điện ảnh và nhiệm vụ của một Trường Đại Học.

Qua đó các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và những người làm thầy giãng dạy của Trường Đại Học Sân khấu – Điện ảnh sẽ có cảm nhận thế nào với những điều như trên ?…..

+         Còn riêng cảm nhận của tôi, với một số giải pháp như:

1. Cần làm sâu sắc thêm nhận thức về tầm quan trọng bảo vệ và phát huy tính dân tộc, bản sắc dân tộc, tạo ra cách nhìn nhận mới, cách tiếp cận mới nhằm tạo ra bước chuyển về chất trong phim truyện Việt Nam.

Về nội dung này cần khẳng định rõ vai trò quan trọng của tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam. Tính dân tộc là hồn cốt, là sức sống, là dấu ấn sâu sắc đọng lại trong công chúng trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc ta. Nâng cao tính dân tộc là đòi hỏi tất yếu, khách quan của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển; cần gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tính dân tộc và tính hiện đại để làm nên diện mạo mới của phim truyện Việt Nam nói riêng, của văn học, nghệ thuật nói chung.

2. Cần có chương trình đào tạo về âm nhạc dân tộc cổ truyền nói chung và Tính năng nhạc cụ; Tính chất bài, bản; Phong tục tập quán cho những nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên, phục trang, âm nhạc… của ngành Sân Khấu – Điện Ảnh.

Trên thực tế là nhà trường chưa tận dụng, sử dụng hết những khả nặng, điều kiện sẳn có của trường, đó là Khoa kịch hát dân tộc với một lực lượng giáo viên trẻ có đầy đủ điều kiện về bằng cấp cũng như thâm niên trong nghề giảng dạy âm nhạc từ khi trường mới được thành lập từ Trường Nghệ thuật sân khấu II, đến nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh; Vì thế nhà trường nên có chương trình đào tạo về âm nhạc dân tộc cổ truyền nói chung và Tính năng nhạc cụ; Tính chất bài, bản, giao cho khoa kịch hát dân tộc thực hiện với chương trình, giáo án cụ thể để đưa vào giảng dạy tại trường.

3. Mở rộng giao lưu quốc tế với ý thức tiếp thu có chọn lọc tinh hoa điện ảnh thế giới để vận dụng sáng tạo vào Việt Nam trên cơ sở hiểu biết sâu sắc các yêu cầu, đòi hỏi mới của ngành Sân khấu – Điện ảnh và công chúng điện ảnh nước ta; trên cơ sở trí tuệ và bản lĩnh của người nghệ sĩ, để “hòa nhập” nhưng không “hòa tan” .

4. Tăng cường phối hợp các ngành liên quan, nhất là Hội Điện Ảnh, Hội Sân khấu, Hội âm nhạc các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình không chỉ quảng bá, mà còn định hướng, kiểm định chất lượng Gíao dục, Đào tạo cho phù hợp nhu cầu của xã hội và công chúng.

Nếu chúng ta làm tốt các giải pháp nêu trên chính là góp sức tạo ra chất lượng mới trong hoạt động của ngành nghệ thuật Sân khấu–Điện ảnh,Truyền hình mang đậm bản sắc dân tộc và giữ gìn những tinh hoa truyền thống.

Trân trọng kính chào.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *