Chờ Phá Cách Ở Liên Hoan Sân Khấu Thử Nghiệm

TTO – Sau 10 năm gián đoạn, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 đến 19-11.

Một cảnh trong vở Chim hải âu (Nhật Bản)
Một cảnh trong vở Chim hải âu (Nhật Bản)

Với 16 vở diễn đến từ 10 quốc gia đại diện cho châu Á, châu Âu và châu Mỹ, liên hoan được chờ đợi sẽ đem đến nhiều phá cách mới mẻ, hiệu quả…

Nhiều sắc màu sân khấu quốc tế

8 vở diễn, tiết mục quốc tế được chọn lọc khắt khe từ 39 vở diễn, tiết mục đăng ký tham dự liên hoan hội đủ các nền sân khấu đặc sắc Á – Âu. Khối ASEAN có đại diện duy nhất của Philippines với vở Tình yêu trong sáng do các nghệ sĩ đoàn kịch Tanghalang Ateneo thực hiện. Vở kịch được làm mới từ chuyện tình Romeo và Juliet của Shakespeare.

Hai nước Trung Quốc, Nhật Bản là hai đại diện sáng giá cho các nước khu vực Đông Á đến với liên hoan lần này. Trong đó, vở diễn Bạch xà và Ramayana là truyện xưa tích cũ được làm mới lại với những bản dựng gần đây của các đoàn nghệ thuật Trung Quốc: Shanghai Dramatic Arts Centre và Trung tâm nghệ thuật kinh kịch tỉnh Hà Nam.

Một cảnh trong vở Bạch xà (Trung Quốc)
Một cảnh trong vở Bạch xà (Trung Quốc)

Còn đoàn Theatre Centre Without Walls của Nhật Bản thì trình diễn vở kịch mới được công diễn năm 2016 – Chim hải âu.

Sân khấu phương Tây dịp này có sự hiện diện của Đức, Pháp, Hi Lạp với các vở Khách sạn thiên đường (Đoàn kịch Familie Flöz, Đức), Cuộc phiêu lưu của Münchhausen (Pháp), Tôi nhớ (Đoàn Noiti Grammi, Hi Lạp). Các vở diễn hứa hẹn nhiều hấp dẫn bởi tham vọng đem tới cho khán giả một khái niệm khác về kịch nói.

Đại diện duy nhất cho châu Mỹ – Đoàn kịch Dalecuero (Panama) giới thiệu vở kịch Con thuyền này sẽ không trôi mãi. Lấy hình ảnh con thuyền trôi xuôi theo con nước, giương buồm ra khơi theo cảm hứng của một nhóm thủy thủ – vở kịch là sự trải nghiệm chính trị đầy thú vị.

Một cảnh trong vở Tình yêu trong sáng (Philippines)
Một cảnh trong vở Tình yêu trong sáng (Philippines)

Phong phú những kịch mục Việt Nam

Việt Nam chọn 8 vở diễn của 8 đơn vị nghệ thuật (từ 19 vở diễn của 16 đơn vị nghệ thuật trong nước) so tài cùng các đoàn nghệ thuật quốc tế. Trong đó, áp đảo nhất là các nhà hát kịch – có đến 6 đơn vị với 6 vở diễn.

Hai đơn vị đem kịch Shakespeare thi tài dịp này là Nhà hát kịch Việt Nam và Đoàn kịch nói Công An Nhân Dân. Nhà hát kịch Việt Nam chọn vở Hamlet – vở kịch kinh điển của thế giới này đã được đánh giá là được làm mới với phong vị Việt qua diễn xuất, âm nhạc, sân khấu…

Còn Đoàn kịch nói Công An Nhân Dân thì dàn dựng Bão – tác phẩm cuối quãng đời sáng tác của Shakespeare tiếp tục là những cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác…

Trong khi đó, Nhà hát kịch Quân Đội có vở Dưới cát là nước mới được công diễn gần đây và đem lại dư âm tốt với nhiều thử nghiệm về diễn xuất, âm nhạc…

Một cảnh trong vở Nguyễn Du với Kiều - Ảnh: ĐT
Một cảnh trong vở Nguyễn Du với Kiều – Ảnh: ĐT

Nhà hát Tuổi Trẻ chọn vở kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều – vở diễn có cách tiếp cận và hình thức thể hiện khá thú vị của thế hệ hôm nay khi lý giải về mối quan hệ giữa đại thi hào Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều.

Hai đại diện đến từ phương Nam là Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ 5B Võ Văn Tần và Nhà hát Thế Giới Trẻ – Trường đại học Sân khấu và điện ảnh cũng là những ẩn số với hai vở diễn Giấc mơ và Mê Đê được cho là có nhiều thử nghiệm táo bạo.

Đại diện cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, Nhà hát múa rối Thăng Long lần đầu dựng vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt bằng nghệ thuật rối cạn.

Ngoài ra, Nhà hát Star Galaxy khoe với liên hoan chương trình Ionah Show được xây dựng dựa trên sự kết hợp của nhiều loại hình biểu diễn, trong đó xiếc là yếu tố nền kết hợp với vũ đạo, diễn xuất cùng các hiệu ứng sân khấu và công nghệ trình chiếu 3D hiện đại.

16 vở diễn, chương trình tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 được biểu diễn tại các điểm rạp của Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Star Galaxy; rạp Công Nhân, rạp Đại Nam và sân khấu Trường đại học Văn hóa Hà Nội. Vở kịch Dưới cát là nước sẽ biểu diễn trong lễ khai mạc lúc 20g ngày 13-11 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ngoài ra, liên hoan có hai cuộc tọa đàm vào ngày 14 và 18-11.

Góc nhìn khác của một bi kịch cũ…

NSƯT Hoàng Yến (vai Mê Đê) và Hữu Lợi (vai Jadong) trong vở Mê Đê. Hoàng Yến đã lột tả thành công một người đàn bà cay nghiệt, đớn đau bởi tham vọng tình yêu nhưng bị phụ tình - Ảnh: HỮU THUẬN
NSƯT Hoàng Yến (vai Mê Đê) và Hữu Lợi (vai Jadong) trong vở Mê Đê. Hoàng Yến đã lột tả thành công một người đàn bà cay nghiệt, đớn đau bởi tham vọng tình yêu nhưng bị phụ tình – Ảnh: HỮU THUẬN

Mê Đê – bi kịch cổ điển Hi Lạp, một trong những kiệt tác hàng đầu của sân khấu thế giới (nguyên tác: kịch tác gia Hi Lạp Euripide, biên soạn lời mới: tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Trần Ngọc Giàu) vừa được Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường ĐH Sân khấu và điện ảnh TP.HCM) công diễn với nhiều ấn 
tượng mới mẻ.

Sân khấu được thiết kế hết sức tối giản chỉ với 8 chiếc trống cajon xếp theo hình bán nguyệt. Trang phục, trang trí… dường như chìm trong màu đen u ám với bi kịch khủng khiếp của nàng Mê Đê xinh đẹp, kiêu hãnh, chất ngất hận thù.

Các diễn viên ngồi trên từng chiếc trống, họ xoay vần, có lúc là những con người đương đại hồi hộp, nín thở theo diễn biến trong tấn bi kịch của Mê Đê, có lúc xoay mình hóa thân thành nhân vật trong câu chuyện.

Chính thủ pháp nửa thực nửa hư đó khiến một bi kịch cũ trở nên sống động, kịch tính hơn. Từ những trang phục màu đen ban đầu, chỉ cần khoác chéo một mảnh vải đã có thể là Mê Đê (màu đỏ), đức vua (màu vàng), Êgiê (màu xanh), công chúa (màu trắng)…

Suốt 75 phút vở diễn, các nghệ sĩ đều có mặt trên sân khấu, lúc họ trở thành nhân vật chính, lúc trở thành quần chúng, hoặc nhạc công gõ trống cajon, có khi lại là dàn hát bè sống 
thay âm nhạc điện tử.

Nhà viết kịch Lê Chí Trung chia sẻ: “Đã có hàng trăm bản dựng tác phẩm Mê Đê trên khắp các nhà hát hoàng gia, với quan niệm, tâm thế và phong cách nghệ thuật khác nhau.

Trong góc nhìn của mình, sân khấu Nhà hát Thế Giới Trẻ đã biên soạn mới và dàn dựng tác phẩm này qua phong cách nghệ thuật kết hợp giữa ngôn ngữ kịch cổ điển phương Tây với tính tượng trưng, gián cách vốn có trên các sân khấu truyền thống Việt Nam, như tuồng, chèo…, đưa kịch cổ điển đến với thị hiếu thẩm mỹ công chúng đương thời.

Nội dung tác phẩm cũng có cái nhìn khác về nhân vật và hành động của Mê Đê để chuyển tải thông điệp – giấc mơ về một thế giới yên bình trong sự bất an của chiến tranh, khủng bố, hận thù tôn giáo, sắc tộc… mà mỗi con người hôm nay đang phải sống và hít thở chung bầu không khí”.

Sau khi tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm châu Á, vở sẽ được sắp lịch diễn trong kịch mục của Nhà hát Thế Giới Trẻ và đi lưu diễn.

LINH ĐOAN

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20161111/cho-doi-pha-cach-o-lien-hoan-san-khau-thu-nghiem/1217260.html

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *