“Cất Kho” Tác Phẩm Là Có Lỗi Với Công Chúng

Thể nghiệm phải hướng đến công chúng. Có như thế mới tìm được đáp án cho sàn diễn hôm nay

 Liên hoan Sân khấu quốc tế thể nghiệm lần 3-2016 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 đến 19-11 với sự tham dự của 10 đoàn nghệ thuật quốc tế và nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước.

Thể nghiệm để phát triển

Nghệ thuật là kết quả của quá trình sáng tạo. Ở đó luôn đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm tòi, khám phá để mang đến công chúng những điều mới, lạ có sức hấp dẫn và giá trị cao cho cuộc sống. Lịch sử sân khấu Việt Nam là quá trình sáng tạo mang tính thể nghiệm. Nhất là những năm gần đây khi sân khấu đang đối diện khó khăn về mặt khán giả, yêu cầu thể nghiệm càng bức thiết hơn đối với những người làm công việc sáng tạo trong lĩnh vực này.

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (Sân khấu 5B) ra đời với cái tên gọi đầu tiên là sân khấu kịch thể nghiệm, nhận lãnh vai trò tiên phong sáng tạo và biểu diễn các vở kịch mang tính thể nghiệm, đưa những vở kịch thể nghiệm có chất lượng đến với công chúng. Từ chiếc nôi kịch thể nghiệm này đã hình thành nên tư duy và nguyên tắc sáng tạo trong kịch mục của sân khấu kịch xã hội hóa tại TP HCM sau đó. Sân khấu Lê Quí Dương cũng từng dàn dựng các vở mang tính chất thể nghiệm độc đáo như: “Chợ đời”, “Lời thỉnh cầu mùa xuân”, “Những giấc mơ bí mật của Tễu”, “Kangaroo”, “Huyền thoại cuộc sống”… Nghệ sĩ Linh Huyền với chương trình cải lương “Hồn Việt” tạo được sự tích cực trong việc giới thiệu với khán giả nước ngoài. Nhà hát Trần Hữu Trang cũng từng dàn dựng thể nghiệm thành công vở cải lương ca nhạc vũ kịch “Chiếc áo thiên nga” trên sân khấu lớn, có hàng ngàn khán giả.

Cảnh trong vở “Giấc mơ” Ảnh: Phạm Hoàng Nam
Cảnh trong vở “Giấc mơ” Ảnh: Phạm Hoàng Nam

Sân khấu phía Bắc có đoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi được xem là thể nghiệm thành công nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị đỉnh cao như: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nguyễn Du với Kiều”, “Tâm linh Việt”…

“Thể nghiệm sân khấu là chiếc chìa khóa mở cánh cửa để sân khấu Việt Nam tiến gần hơn các nước trong khu vực và quốc tế. Yêu cầu thể nghiệm đặt sân khấu trong nước trên tư thế phải cải tiến liên tục nhằm phát huy tối đa những kỹ thuật hỗ trợ cho hình thức biểu diễn” – NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nói.

Tuy nhiên, không phải sự thể nghiệm nào cũng đạt được kết quả như mong muốn. Trong quá trình học hỏi, tiếp thu, tìm tòi, khám phá, đòi hỏi người làm công tác sáng tạo phải biết chọn lựa những gì phù hợp với nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng.

Cái khó bó cái khôn

NSND Anh Tú cho biết: Qua 2 mùa liên hoan, xem nhiều vở thể nghiệm đến từ các đoàn nước ngoài, chúng tôi học hỏi rất nhiều điều, đưa vào tác phẩm thể nghiệm trong nước những sáng tạo mới.

Với tác phẩm “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn Anh Tú đã mạnh dạn thể nghiệm đưa nghệ thuật dân gian vào vở diễn bằng các trò diễn xướng của làng Xuân Phả (Thanh Hóa) nhằm tăng thêm tiết tấu và hiệu ứng đậm chất dân tộc. “Làm bất kỳ vở diễn nào, tôi cũng luôn đau đáu một điều là làm sao thể nghiệm trong dàn dựng thật hay, thật hấp dẫn cho khán giả Việt Nam ngày hôm nay xem. Đặc biệt với những kiệt tác đỉnh cao của phương Tây phải mang được phong vị, hơi thở, bản sắc Việt” – NSND Anh Tú bày tỏ.

Rất nhiều đơn vị sân khấu không thành công trong nhiều sáng tác thể nghiệm, một số đơn vị không đi đến cùng con đường thể nghiệm của mình vì không đủ sức.

NSND Lan Hương cho biết trước đây nhà hát của chị được nhà nước tài trợ một khoản tiền để dựng vở, khoảng 400-500 triệu đồng/năm, tùy tính chất, quy mô tác phẩm. Nếu nguồn đầu tư này được duy trì thì đủ để đơn vị hoạt động. Nhưng từ năm 2014 đến nay, nguồn tài trợ đã bị cắt giảm. Nhà hát phải đi xin tiền các nơi để dựng vở.

Theo NSND Anh Tú, nếu không có tài trợ thì việc đưa kịch thể nghiệm đến với công chúng càng khó hơn. “Chúng ta nỗ lực thể nghiệm cái mới với mục đích để tác phẩm đi vào đời sống sàn diễn, còn nếu chỉ thể nghiệm rồi báo cáo cho những người trong nghề xem là có lỗi với công chúng” – đạo diễn Anh Tú nói.

Thể nghiệm phải hướng đến công chúng, 8 vở diễn sau khi tham dự liên hoan lần này rất cần được bố trí phục vụ công chúng cả nước. Có như thế mới tìm được đáp án cho sàn diễn hôm nay.

“Với lợi thế sân khấu trong nước do chúng ta đăng cai, 8 vở diễn đại diện sân khấu Việt Nam tham dự liên hoan lần này có cơ hội đo lường khán giả qua nhiều suất diễn. Vở “Giấc mơ” sau suất diễn tại Nhà hát

TP HCM, gây hiệu ứng tích cực, cho thấy khán giả trẻ đã đón nhận và cổ vũ những thể nghiệm mới mẻ của Sân khấu 5B. Vở “Mê Đê” với tài năng thể hiện của NSƯT Hoàng Yến đã lóe lên những tia hy vọng trong việc đưa tác phẩm kinh điển thế giới đến với khán giả trong nước” – NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận định.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/cat-kho-tac-pham-la-co-loi-voi-cong-chung-20161109221914098.htm

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *